7.12.07

Đài Á Châu Tự Do Phỏng Vấn Trần Việt Yên












Ông Trần Việt Yên, thành viên ban điều hành trang báo điện tử Tự Do Ngôn Luận.
Mục đích của bản thỉnh nguyện thư gửi trong dịp Ðức Giáo Hoàng tiếp Thủ Tướng Việt Nam
2007.01.23

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Trước sự kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức Thứ 16, đài chúng tôi đã phỏng vấn ông Trần Việt Yên, thành viên ban điều hành trang báo điện tử Tự Do Ngôn Luận (có tên trên nét là tdngonluan.com), để tìm hiểu thêm về bản thỉnh nguyện thư gửi Ðức Giáo Hoàng trước khi Ngài tiếp Thủ Tướng Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Cám ơn ông đã bỏ thì giờ nói chuyện với chúng tôi. Trang báo điện tử mà ông đảm trách mời mọi người ký tên vào bản thỉnh nguyện thư gửi Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô thứ 16…
Ông Trần Việt Yên: Thưa ông, đúng. Vào ngày 25 tới đây, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn tấn Dũng sẽ gặp Đức Giáo Hoàng Beneditô thứ 16, trong dịp ông Dũng công du mấy nước Âu châu.
Nhân dịp này một số linh mục, tu sĩ, giáo dân trong và ngoài nước đã công bố một bức Thỉnh Nguyên Thư thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng đặc biệt quan tâm về tình hình Nhân quyền và Tôn Giáo tại Việt Nam, xin Ngài thảo luận với ông Nguyễn Tấn Dũng về nhu cầu cấp thiết của toàn thể dân tộc Việt Nam là được sống đúng phẩm giá con người trong lúc Việt Nam hội nhập cùng thế giới nhân loại văn minh.
Bức Thỉnh Nguyện Thư này đã được đăng trên trang mạng “Tự Do Ngôn Luận” và phổ biến rộng rãi trên khắp các diễn đàn Internet, để người Việt khắp thế giới có thể ký tên làm hậu thuẫn mạnh mẽ cho cuộc đối thoại của Ðức Giáo Hoàng với Thủ Tướng Việt Nam, đặc biệt nói lên nguyện vọng tha thiết của toàn thể dân Việt không phân biệt tôn giáo đều muốn được sống trong hoà bình, tự do và công bằng.
Nguyễn Khanh: Và đó là mục đích quý ông muốn đạt được, có phải không ạ?
Ông Trần Việt Yên: Chúng tôi xem bức thỉnh nguyện thư này là một cuộc vận động, hay nói đúng hơn, kết hợp mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, không chỉ kêu gọi Công Giáo Việt Nam mà còn kêu gọi bất cứ ai quan tâm đến tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam đồng lòng ký tên.

Bởi vì nếu có được tiếng nói chung của tất cả chúng ta thì những yêu cầu, đòi hỏi của Đức Giáo Hoàng với người lãnh đạo Chính Phủ Việt Nam sẽ nặng ký hơn, áp lực nhiều hơn, buộc ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải chú ý nhiều hơn. Cũng qua bản thỉnh nguyện thư này, chúng tôi tin rằng Tòa Thánh Vatican sẽ thấy được sự đồng lòng đoàn kết của tất cả chúng ta, không phân biệt lương hay giáo.
Nguyễn Khanh: Cá nhân ông hay tổ chức mà ông đại diện nghĩ gì về buổi gặp gỡ sắp sửa diễn ra ở Vatican, giữa Ðức Giáo Hoàng Bêniđictô và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam?
Ông Trần Việt Yên: Là một người Công Giáo Việt Nam, dĩ nhiên chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng trước một biến cố to lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người Công Giáo Việt Nam đang sống trong nước.
Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ lại, chúng tôi không khỏi lo lắng vì nếu trong thành phần tháp tùng ông Nguyễn Tấn Dũng có một vài khuôn mặt tu sĩ bị tai tiếng, thì lúc đó, tôi e rằng chắc chắn chuyến đi không hẳn là thiện chí của nhà cầm quyền Việt Nam.
Hơn thế nữa, như bức Thỉnh Nguyện Thư nêu rõ, hiện ở Việt Nam nhiều anh em Tin Lành bị đàn áp, giam cầm bắt bớ, các nhóm thờ phượng bị ngăn trở, trụ sở bị giật sập, nhất là ở vùng Tây Nguyên, rồi các tín đồ tôn giáo bạn như Phật Giáo Hoà Hảo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị áp chế, bách hại, đàn áp, trụ sở Hội Ðồng Chưởng Quản Giáo Hội Cao Ðài bị lũng đọan, phân rã.
Thì trái lại một số nhà thờ Công Giáo được xây dựng, tái thiết nguy nga tráng lệ, các vị mục tử ra hải ngoại nườm nượp, và nay một nhà lãnh đạo Hà Nội đến Vatican. Tôi thử đặt mình là một tín đồ tôn giáo bạn thì tôi phải suy nghĩ như thế nào đây? Thái độ của tôi với anh em Công giáo sẽ ra sao đây ?

Nếu tôi nhớ không lầm, bức thư chung của Hội đồng Giáo Mục Việt Nam kỳ họp đầu tiên ở thập niên 1980 nêu khẩu hiệu “Sống Phúc Âm Giữa Lòng Dân Tộc” Với những hiện tượng đang xảy ra trên quê hương, chính một số người Công Giáo nói với tôi là họ đau lòng và có cảm giác như Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang xé lẻ để chơi riêng với chế độ.
Nếu đúng như thế thì đâu còn gọi là “Sống Phúc Âm Giữa Lòng Dân Tộc”. Ðừng quên Việt Nam chúng ta có câu “ Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”.
Nguyễn Khanh: Như thế, theo ông, Tòa Thánh Vatican phải làm gì?
Ông Trần Việt Yên: Tôi mong Tòa Thánh chỉ loan báo thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, sau khi chính phủ Việt Nam hoàn tất các bước tiến cần làm để hòa giải với tất cả mọi tôn giáo, chứ không phải chỉ riêng với công giáo.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Trần Việt Yên.
Quý thính giả vừa nghe cuộc nói chuyện giữa biên tập viên Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi và ông Trần Việt Yên, thành viên ban điều hành trang báo điện tử Tự Do Ngôn Luận.
Thông tin trên mạng:
- Thỉnh Nguyện Thư Kính Đệ Trình Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

1 nhận xét:

Trần Việt Yên nói...

Cámơn Ông Trần Việt Yên đã nói giúp chúng tôi, những người Công Giáo thầm lặng.

Giuse Ngô Văn Quang