4.1.08

TỪ GƯƠNG ANH HÙNG CỦA HÀNG GIÁO PHẨM THẾ GIỚI


SUY NGHĨ VỀ THÁI ĐỘ CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

1- Gương anh hùng của hàng giáo phẩm trên Thế Giới

Một bản tin được loan tải trên website VietCatholicnews ngày 15 tháng 8 năm 2002 có nội dung như sau :
“ Đức Hồng Y Pedro Rubanio Saenz huộc giáo phận Bogota, Chủ Tịch Hội đồng Giám Mục Colombia đã đồng ý đi vào vùng do du kích Cộng Sản kiểm soát để thương thuyết với quân du kích các điều kiện trả tự do cho 12 dân biểu quốc hội đang bị quân du kích bắt làm con tin”.
Tổng thống Colombia, ông Alvaro Uribe Velez đã thỉnh cầu ĐHY gánh vác nhiệm vụ khó khăn này. Được biết, 12 dân biểu quốc hội đã bị bắt hồi tháng 6 tại Cali (nơi Đức Tổng Giám Mục Isalas Duarte Cancino đã bị lực lượng này giết)
Lực lượng phiến quân cộng sản FARC đã được thành lập năm 1964 và hiện có hơn 15,000 thành viên. Cuộc nội chiến từ 36 năm nay đã gây cái chết cho hơn 200,000 người và 2 triệu người phải bỏ nhà tản cư.
Việc Hồng Y Pedro R. Saenz tình nguyện đứng ra thương thuyết được báo giới Colombia coi là một hành động anh hùng. Quân du kích Cộng sản FARC là những đệ tử cuồng tín của Che Guevara, tay tổ Cộng sản Cuba làm nghĩa vụ quốc tế ở Nam Mỹ Châu Latin của Đệ Tam Quốc tế cộng sản – lời người trích dẫn bản tin này) đã không hề nể vì giáo hội Công Giáo Colombia. Theo một bản báo cáo của Ủy Ban Mục Vụ Hội Đồng Giám Mục Colombia đưa ra hồi tháng 3 năm 2000, du kích FARC đã giết 2 Giám Mục, 36 Linh Mục, 2 tu huynh và 2 Thừa sai, cộng thêm vào đó là 2 Giám Mục, 5 Linh Mục và một Giáo dân thừa sai đã bị bắt cóc.
Từ khi bản tường trình được công bố cho đến nay, thêm nhiều giáo sĩ và giáo dân đã bị giết. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2002 đã có 3 Linh Mục, 1 Tổng Giám Mục bị giết tại Colombia. Vụ giết người gần đây nhất đã xảy ra vào ngày 16 tháng 3 khi Đức Tổng Giám Mục Isalas Duarte Cancino tại Cali đã bị ám sát sau khi cử hành thánh lễ hôn phối cho nhiều đôi vợ chồng tại một giáo xứ nghèo. Trong số các Giám Mục bị giết có GM Giramillo Monsave tại Arauca đã bị bắn khi Ngài dừng lại trên đường vào ngày 2 tháng 10 năm 1989, Giám Mục Hector Lopes, Giám quản tông tòa tại Ariari đã bị bắt cóc vào ngày 25 tháng 10 năm 1997 bởi Lực lượng FARC, cùng bị bắt còn có một linh mục và nhiều người làm việc cho nông trại. Đức Giám Mục Jose Quintero Diaz tại Tibu đã bị đe dọa tính mạng 2 lần, lần đầu vào ngày 24 tháng 11 năm 1997, và Ngài bị bắt giữ trong 16 ngày; vào ngày 15 tháng 8 năm 1999 Ngài cũng bị bắt nhưng sau 35 ngày Ngài đã trốn thoát được.
Trong số các linh mục bị giết còn có Đức ông Jaime Bonilla Niete, Chủ tịch Ủy Ban phục vụ cho người di dân của Tổng Giáo Phận. Ngài bị giết trong đêm 22 rạng 23 tháng 12 năm 2001.
Giáo Hội Công Giáo Colombia đã dành ngày 15 tháng 8 năm 2002, ngày kính Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, để cầu nguyện cho cuộc thương thuyết thành công và sự an bình của Đức Hồng Y Saenz.
Hiện nay, phiến quân FARC đã đồng ý gặp Đức Hồng Y Saenz. ĐHY giải thích rằng Ngài tình nguyện gánh vác công việc này vì lý do Nhân đạo.
Chương trình Phát thanh Lương Tâm Công Giáo xin quý thính giả đang nghe bản tin hiệp lời cầu nguyện cho Đức Hồng Y Pedro Rubiano Saenz được Chúa quan phòng trong nhiệm vụ cao cả này.

Tin thứ 2 mà chúng tôi muốn gởi đến quý thính giả là tin về tạp chí Công Giáo tại Cuba kêu gọi tổng tuyển cử tự do, bản tin có nội dung như sau :
(trích Vietcatholicnews thứ sáu ngày 16 tháng 8 năm 2002)
Trong bài xã luận 5 trang, Nguyệt san Vitral số ra tháng 7 và tháng 8 đã mạnh mẽ kêu gọi một cuộc thảo luận công khai về tương lai của đất nước và đặt lại vấn đề về sự tồn tại của Đảng Cộng Sản Cuba do nhà độc tài Fidel Castro lãnh đạo vì : “Mọi thứ, mọi dự án và mọi con người không thể tồn tại mãi mãi”.
Bài xã luận đưa ra những thay đổi rõ rệt mà Cuba đã chứng kiến trong các năm qua, đặc biệt là những thay đổi trong nhận thức của người dân về tự do và nhân quyền. Tờ báo lý luận rằng, những thay đổi này là không thể tránh khỏi và “đối diện với những đổi thay này con người phải là vai chính và trung tâm của mọi thay đổi”.
Tờ báo cảnh cáo rằng : đóng lại những cánh cửa dẫn đến những thay đổi là đóng lại những chuyển hóa dần dần trong hoà bình, và chúng ta đều biết rằng thay đổi là quy luật của cuộc sống và nếu không diễn ra theo một trật tự thì sẽ có sự bùng nổ là điều không ai muốn.
Các nhà phân tích thời cuộc nhận định rằng, việc tờ Vitral đưa ra bài xã luận cho thấy rõ ý kiến của những nhà lãnh đạo Công Giáo tại Cuba muốn ủøng hộ cho “Đề án Valera” do ông Alberto Paya , chính trị gia công giáo đối lập với chế độ, khởi xướng. Đề án Varela kêu gọi trưng cầu dân ý để giải thể đảng Cộng sản Cuba, một tổ chức phản dân hại nước với những chính sách kềm kẹp sự đi lên của đất nước với một guồng máy tham quan ô lại.
Trong khi đảng Cộng sản Cuba luôn ra sức kể công và đe nẹt dân chúng rằng, nếu không để đảng Cộng sản cầm quyền thì sẽ có vô số những khó khăm sẽ xảy ra, bài xã luận đã có những câu trả lời rất đanh thép như: “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra chính là việc xem thường khả năng của người Cuba muốn được tự làm chủ lấy mình”.

Lương tâm công giáo được biết bài xã luận được nêu ra tiếp theo lời tuyên bố của Đức Giám Mục Salvador Riveron Cortina thách thức nhà nước cộng sản Cuba dám đối thoại công khai.
Ngày 4/6/02 Đức Giám mục Salvador Riveron Cortina, giám mục phó giáo phận Havana, thủ đô Cuba thách thức nhà nước Cuba dám đối thoại công khai với Giáo hội về những hạn chế tôn giáo mà nhà nước lặng lẽ tiến hành.
Trong diễn văn đọc tại tu viện dòng Đa Minh San Juan de Letran tại Havana hôm thứ năm 30/5/02, Đức Giám mục cho biết Giáo hội muốn có một cuộc đối thoại “thành thật, tôn trọng và xây dựng”. Ngài nhận định rằng, một số các thành phần cứng rắn trong đảng cộng sản vẫn tiếp tục làm đủ mọi cách để ngăn cản các hoạt động xã hội và giáo dục của Giáo Hội Công giáo tại Cuba. Thêm vào đó, một “đám mây im lặng” đang bao trùm các phương tiện thông tin của nhà nước và các hoạt động của Giáo hội.
Được biết, để tuyên truyền cứu nguy cho chế độ cộng sản đang lụi tàn ở Cuba, Fidel Castro đã khẩn thiết mời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị viếng thăm đảo quốc Cuba vào tháng giêng năm 1998, nhưng từ đó đến nay Đảng Cộng sản không hề nới tay trong việc xiết chặt kiểm soát các hoạt động tôn giáo ở đảo quốc này mà 87% người dân theo đạo Công Giáo.

Bản tin thứ ba mà chúng tôi gởi đến quý thính giả là ở một nước có tới 90% người dân theo Hồi Giáo. (Trích ViệtCatholic News)
Tin vui bất ngờ là Toà án tối cao Pakistan đã tha bổng anh Ayub Masih, một giáo dân công giáo bị buộc tội Phạm thánh.
Trong một quyết định bất ngờ hôm thứ năm 15 tháng 8 năm 2002, đúng ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, toà án tối cao Pakistan đã tuyên bố anh Ayub Masih vô tội và rằng, những người đã tố cáo anh chỉ vì tư thù mà tố cáo anh đã nói xấu tiên tri Mohammed của đạo Hồi. Anh Ayub Masih được phóng thích ngay tại toà án. Vụ án của anh Masih là một vụ án vô cùng bi đát đã dẫn đến cái chết của một vị Giám Mục Công Giáo, theo nhiều nguồn tin thì cho rằng Ngài tự sát (?) để phản đối sự đàn áp của người Hồi Giáo đối với người Công Giáo tại Pakistan qua điều luật khắc nghiệt về Phạm thánh.
Trong vụ án này, rất nhiều cơ quan pháp luật của công giáo trên thế giới đã tham dự vào và đã gần như bất lực trước sự ngang ngược của nền tư pháp Pakistan. Ngày 5 tháng 6 năm 1998, thế giới bàng hoàng trước tin Đức Giám Mục Công Giáo John Joseph bắn một viên đạn vào đầu mình (?) ngay tại tòa án ở Sahiwal Session, tại Pakistan để phản đối việc kết án bất công một thanh niên công giáo tên Ayub Masih 27 tuổi.
Anh Ayub Masih bị tố cáo tội phạm thánh và chiếu theo luật hồi giáo anh phải bị kết án tử hình vì có người tố cáo rằng anh đã nói xấu tiên tri Mohammed của Hồi giáo. Những người đó đã tố cáo rằng anh đã xúi giục người Hồi Giáo hãy tìm đọc cuốn những Vần thơ của Satan (Verses of Satan) của tác giả Salmon Rushdie để biết rõ mặt thật của Hồi Giáo.
Thật ra thì, theo điều tra của Ủy Ban Nhân Quyền Á Châu (Hồ sơ AHRC/UA980508, 8 May 1998) câu chuyện bắt đầu từ những tranh chấp về đất đai của những người Hồi giáo trong vùng đã chiếm đất phi pháp nhưng muốn 17 gia đình Công Giáo rút lại đơn thưa kiện họ đã chiếm đất bất công, họ đã sử dụng luật phạm thánh như là một cách thế hiệu quả để trấn áp những người Công Giáo này.
Đức Giám Mục John Joseph 66 tuổi, là giám mục giáo phận Faisalabad ở miền trung Punjab từ năm 1981, đồng thời là chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Công Giáo thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan. Ngài là một người tranh đấu rất quả cảm cho nhân quyền, đặc biệt quyền tự do tôn giáo tại nước này. Sau cái chết kinh hoàng của Ngài, Hội Đồng Giám Mục Pakistan họp khẩn cấp tại Lahore và ra tuyên cáo, khẳng định rằng : “Không thể gọi cái chết của Ngài là một vụ tự sát. Ngài đã tự hy sinh đời mình để tranh đấu chống lại bất công”.
Anh Ayub Masih mù chữ thì làm sao anh có thể đọc được cuốn “Những vần thơ của Quỷ” và rằng, thậm chí cả sách báo anh cũng mù tịt nốt, thế nhưng người ta vẫn gán cho anh cái án tử hình; vì nếu quan toà không kết án anh thì chính ông ta sẽ bị kết án tử hình vậy. Do đó, qua 2 phiên của Toà dưới, anh đã bị kết án tử hình một cách phi lý; và chỉ sau cái chết của Đức Giám Mục John Joseph, lương tâm của những ông tòa tối cao Pakistan mới bị lay động. Thật chính là Đức Giám Mục đã đem sự sống lại cho anh Ayub Masih bằng chính mạng sống của Ngài.
Trường hợp này làm chúng tôi liên tưởng đến Thánh Maximilian Kobe một người cũng đã tình nguyện chết thay cho một tử tội Đức Quốc Xã. Sau này, Ngài được tôn phong hiển thánh và đã được mọi người thuộc mọi tôn giáo ưa thích, “một nhân chứng hào hùng về sức mạnh bất khuất của tinh thần con người” như Hội sách Doubleday History vinh tặng : Thánh LM Maximilian Kobe.

2. Vài suy nghĩ về thái độ của Hàng Giáo Phẩm Việt Nam
Qua những tấm gương anh hùng của các vị Hồng Y, Giám mục trên khắp thế giới một thế giới với nhiều bất trắc, khó khăn đôi khi nghiệt ngã như trường hợp Đức Giám Mục John Joseph của Pakistan, những hiểm nguy trưóc mặt như trường hợp Đức Hồng Y Pedro Rubiano Saenz của Colombia. Thế nhưng các Ngài vẫn dấân thân, có khi vì tình người, tính nhân đạo bác ái của người Kito Hữu, có khi vì phản ứng đối với những bất công trong xã hội, ở khía cạnh nào các Ngài cũng không quên bổn phận chủ chiên sẵn sáng chết vì đàn chiên.
Trở lại trường hợp Việt Nam, phải nói rằng chúng tôi vô cùng xót xa vì thái độ im lặng của các đấng các bậc trong Hội Đồng Giám Mục Việt nam. Hãy đơn cử trường hợp Cha Nguyễn Văn Lý. Ngài là một con người quả cảm và biết đứng về lẽ phải dù rằng bạo lực cộng sản có thể sẽ nghiền nát người.
Nếu không có những vụ trục xuất phi lý 2/5 số chủng sinh đại chủng viện Huế. Nếu không cấm cản việc dạy giáo lý trong nhà thờ Đốc Sơ. Nếu không có cấm cản đoàn giáo dân đi hành hương Đức Mẹ La Vang. Nếu cộng sản VN không xen lấn vào việc tuyển chọn chủng sinh, phong chức Linh Mục. Nếu không có vụ chiếm đất của nhà thờ Nguyệt Biều thì LM Nguyễn Văn Lý cũng sẽ như bao nhiêu vị LM khác, sống đời phụng vụ lời Chúa và cuộc đời Ngài cũng sẽ êm ả trôi cho đến ngày mãn cuộc đời. Nhưng Cộng sản không muốn thế, chúng xen lấn vào việc điều hành giáo hội, khốâng chế một cách tinh vi các Đức Giám mục, làm cho Giáo Hội bị mai một tàn rụi, như loài nhện độc rút hết sinh mạch của con mồi để Giáo Hội Việt Nam chỉ còn cái xác không hồn, chỉ còn cái vỏ bọc màu mè bên ngoài.
Trước âm mưu thâm độc như thế, Lm Nguyễn văn Lý đã không thể ngồi im thúc thủ. Ngài đã noi gương các bậc tử đạo và noi gương Đức cố Tổng Giám Mục bản quyền Nguyễn Kim Điền đã thẳng thắn viết thư cho CSVN rằng “Sau hai năm cọ sát với thực tế, tôi thấy Việt Nam không có tự do tôn giáo”.
Chính vì vậy mà từ năm 1975 Lm Lý đã bao lần bị Cộng Sản bỏ tù, và mới đây nhất, Ngài bị đã điệu ra trong một phiên toà xử đầy bất công và bạo ngược, bị kết án 15 năm chỉ vì Ngài đã dám nêu lên một sự thực mà nhiều đấng bậc muốn giả ngơ: “TỰ DO TÔN GIÁO HAY LÀ CHẾT”.
Vâng, đàng nào rồi cũng chết, tại sao ta không theo đưổi một cái chết có ý nghĩa, một cái chết có lợi ích cho xã hội, cho tôn giáo. Hãy theo đuổi cho đến cùng một lý tưởng của cuộc sống của chúng ta, dù gặp chông gai thử thách, nhưng vẫn còn ý nghĩa, vẫn còn một giá trị nào đó.
Thật đáng buồn cho Giáo Phận Huế, chính vì CSVN đã triệt hạ được Lm Lý nên chúng mới thừa thắng xông lên, bây giờ không chỉ Giáo Xứ Nguyệt Biều mất đất mà Loan Lý, Cồn Tiên, La Vang và ngay tại thành phố Huế, nơi có Tòa Tổng Giám Mục, Cộng sản cũng ngang nhiên chiếm đất của Hoan Thiện, của dòng khổ tu Thiên An. Chúng cũng ngang ngược chiếm đoạt đất đai của nhà thờ để làm chỗ ăn chơi sa đoạ.
Có phải đó là một sách lược dùng để triệt hạ Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hay không, mà chúng tôi thấy ở bất cứ chỗ nào cộng sản cưỡng đoạt đất đai của nhà xứ nhà chung cũng đều để mở ra các tụ điểm ăn chơi du hí. Khu đất nhà thờ Chính tòa Hà Nội cũng không nằm ngoài sách lược đó. Có phải Cộng sản dùng phèng la trống phách, dùng con gái ăn mặc hở hang, dùng lời ca tiếng hát dâm dật để khủng bố ngày đêm các vị chân tu, để lung lạc tinh thần Hàng Giáo Phẩm, và để dụ dỗ các Ngài sa ngã hầu khống chế các Ngài hay không ?
Nếu tại Nguyệt Bìêu trước đây, Lm Lý được sự hỗ trợ của đấng bản quyền thì ngày nay làm sao CS dám lấn chiếm Loan Lý, Cồn Tiên, La vang hay Thiên Ân. Nếu nói Cha Lý có vấn đề nên không được hỗ trợ, vậy Lm Cái Hồng Phượng, Đức Đan Viện Phụ Huỳnh Quang Sanh cũng có vấn đề sao ? Người ta nói, quanh co che đậy cho lắm thì rồi sự thật cũng lòi ra ! Thật là xấu hổ cho những Lm dám đi ra hải ngoại rỉ tai đặt điều nói xấu cha Lý. Các Ngài chỉ muốn tiền của giáo dân hải ngoại về chia nộp cho các cán bộ CS trong nước, nên bịa chuyện, rỉ tai cha Lý thế này, thế nọ... như một mở đầu câu chuyện xin tiền. Các Ngài độc ác lắm thay ! Quý vị đó có còn là anh em trong LM đoàn với cha Lý, Cha Giải, với cha Lợi, cha Phượng nữa không nhỉ ?
Cũng trong ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tại bên kia bờ đại dương chúng tôi vui mừng trong dè dặt được biết đến bài giảng thuyết của Đức Cha Ngô Quang Kiệt, Giám Mục Giáo Phận Lạng Sơn, trong đại lễ kính viếng hành Hương Thánh Địa La Vang lần thứ 26, trong đó Ngài đề cập đến ý nghĩa của hai chữ “Ra Khơi” mà Đức Thánh Cha đã ân cần nhắn nhủ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hồi đầu năm trong huấn từ của Ngài nhân lễ viếng mộ thánh Phêrô và Phaolô của 26 vị Giám Mục Việt Nam. Đến bây giờ chúng tôi mới được nghe một vị Giám Mục VN lên tiếng về vấn đề “ra khơi”. Có muộn màng chăng khi lời Đức Thánh Cha ban cho các Ngài đến nay đã gần tròn tám tháng, trong lúc đó CSVN ngày càng lấn lướt Giáo Hội.
Được biết tháng 10 tới đây là dịp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhóm họp thường niên, không biết các Ngài có đem huấn từ của Đức Thánh Cha ra để thảo luận, để dấn thân, để “ra khơi” như lời Đức Thánh Cha đã mời gọi, đã nhắn nhủ, hay lại không dám đề ra khi nộp nghị trình cho Ban tôn giáo chính phủ duyệt trước. Vị Cha Chung muốn chúng ta, muốn HĐGMVN trỗi dậy vén lưới, nhổ neo đưa thuyền ra khơi, đối đầu với bão táp, với biển sâu, với hiểm nguy trước mắt, để tranh đấu cho con chiên, để bảo vệ con thuyền Giáo hội : “Tự do Tôn giáo hay là chết”. Ngài bảo : “Hãy noi gương các vị tiền nhân tử đạo oai hùng của các con” hãy ra khơi và sẵn sàng đương đầu với sóng gió, hãy đấu tranh để dành quyền căn bản cho “con người và con Chúa”, hãy bảo vệ quyền tối thiểu và tài sản của Giáo hội. Ngài không bảo quí vị cứ ngồi ỳ ra đó, đừng tranh đấu gì cả, viện cớ rằng phải nhẫn nhục và tha thứ, phải ngồi chờ cho sung nó rụng. Vì nhân đạo, một Hồng Y Saenz của Colombia sẵn sàng vào hang cọp để thương thuyết với nhóm phiến Cộng từng giết bao Giám mục và linh mục, vì đấu tranh cho công bằng xã hội, chống lại sự bất công của nền tư pháp Pakistan mà Giám mục John Joseph phải quên mạng sống mình chỉ cần để cứu một mình Ayub Masih. Bao giờ mới thấy được một đấng bản quyền Công giáo tại Việt nam dám mạnh dạn “công khai tranh luận và đối chất” với nhà nước CSVN, trên hệ thống truyền thanh và truyền hình, về Tự do Tôn giáo như Đức cha Salvador Riveron Cortina, Giám mục phó giáo phận Havana, đã thách thức đảng CS Cuba. Đã là người, ai cũng phải chết, tại sao không chọn cái chết vinh quang có lợi ích cho xã hội nhân quần, hậu thế mang ơn.
Muộn nhưng không phải quá trễ, Giám mục Ngô Quang Kiệt, Phó Tổng thư ký HĐGMVN, đã nói đến “Ra khơi”, đã nhắc nhở mọi người Công giáo, cả giáo dân cũng như hàng giáo sĩ hay tu sĩ, phải trỗi dậy gom lưới để nhổ neo chạy tầu ra khơi. Hãy chấp nhận mọi gian khổ trước mặt để đòi cho được quyền làm “con người và con Chúa”. Hãy thét lên : “Trả ta Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền. Hãy trả lại cho ta” !

Trần Việt Yên
San Jose, ngày 20-8-2002

Không có nhận xét nào: