6.9.08

CUỘC CÁCH MẠNG NHÂN PHẨM



Từ ngữ “cách mạng” thường dễ làm những người Việt Nam chân chính bị “dị ứng”, bởi vì từ “cách mạng” dễ bị đồng hóa với những cuộc “cách mạng giải phóng” của đảng cs Việt Nam luôn đi kèm với bạo lực, lừa bịp, thủ tiêu, căm thù và phản bội. Cụm từ "cách mạng giải phóng" trong chủ thuyết Carl Max là giải thoát giai cấp bị áp bức khỏi giai cấp thống trị. Nhưng trên thực tế, đảng csVN, thay vì giải thoát người dân, đã theo lệnh thực dân đỏ Nga-Tàu, áp đặt gông cùm cộng sản trên toàn dân, tước đoạt hết mọi quyền thiêng liêng của con người. Đây không phải là cuộc cách mạng theo đúng nghĩa. Đây chỉ là tiến trình làm tay sai cho ngoại bang, một tiến trình nô lệ hóa toàn dân.

Lịch sử Việt Nam cận đại đã chứng tỏ điều đó khi hơn một triệu ngưòi di cư từ Bắc vào Nam trốn tránh chế độ phi nhân cs, khi hơn hai triệu con dân Việt rời bỏ quê hương đi tìm tự do nơi xứ người, khi gần 500 ngàn người bỏ mình trên đường vượt biên vì hai chữ tự do. Gần đây hơn cả, biến cố giáo xứ Thái Hà tại Hà Nội, một trong nhiều biến cố xung đột đã xảy ra tại VN, trong việc đòi lại đất và sở hữu đã bị chiếm đoạt trắng trợn bởi chính quyền cs Hà nội, minh định một điều không thể chối cãi là trong chế độ cs, không hề có luật pháp bảo vệ người dân, không hề có tự do, không hề có công lý và nhân quyền. Những diễn biến trong tuần qua tại Thái Hà cho thấy công an đã bạo hành dã man, đã xịt hơi cay vào những người tập trung cầu nguyện trong ôn hoà đòi công lý. Điều này chứng tỏ bản chất cố hữu dã man của đảng cs Việt Nam là chà đạp công lý và nhân phẩm con người.

Như chúng ta đã biết, một xã hội văn minh và đúng nghĩa luôn đề cao hai nguyên tắc căn bản:

1.Tôn trọng nhân phẩm, đề cao những giá trị con người và thiết lập những hệ thống để thăng hoa đời sống con người.

2. Bảo vệ quyền lợi chung của tập thể, quốc gia song song với quyền lợi của cá nhân. Những giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội nằm trên nguyên tắc thực hiện được sự quân bình giữa sự đáp ứng những nhu cầu căn bản của cá nhân và bảo vệ quyền lợi của tập thể mà mỗi cá nhân là một thành phần.

Nhìn vào hai nguyên tắc trên, chúng ta dễ dàng nhìn thấy rằng xã hội Việt Nam hiện thời dưới sự độc tài toàn trị của đảng cs Việt Nam, đã không hề đề cao hay thực hiện 2 nguyên tắc căn bản trên. Đối với người cs cầm quyền, đảng là trên hết, trên quyền lợi và danh dự của quốc gia, trên bất cứ nguyên tắc và cơ cấu nào bảo vệ và thăng tiến đời sống dân chúng. Trong xã hội này, bất công luôn xẩy ra vì chủ thuyết cs coi con người là vật chất, là con vật và luôn chà đạp nhân phẩm con người. Hơn nữa chế độ độc tài toàn trị của đảng cs không hề đặt quyền lợi của tập thể trên hết mà chỉ là quyền lợi và uy quyền của riêng đảng. Mọi hoạt động từ chính trị đến xã hội, và ngay cả đến học đường đều không ngoài mục đích là để bảo vệ quyền thống trị độc tôn của đảng. Một xã hội như vậy làm gì có công lý và tôn trọng con người. Những xáo trộn xã hội không thể tránh khỏi sẽ bắt nguồn từ những bất công và giải quyết một chiều vô pháp luật của chính quyền cs. Giáo Xứ Thái Hà, dân oan khiếu kiện, và bao nhiêu biến cố khác là những ví dụ điển hình.

Vì thế, đã đến lúc cần phải chấm dứt những hiện tượng bất công và những định chế xã hội rừng rú tại VN. Để có thể thay đổi những điều đó, chúng ta cần phải thực hiện một cuộc CÁCH MẠNG NHÂN PHẨM.

Xin đừng dị ứng với từ “cách mạng”. Cách mạng ở đây mang ý nghĩa thay đổi và giải thoát. Chúng ta vẫn luôn tâm niệm rằng chúng ta cần thay đổi con người cũ để trở nên con người mới. Chúng ta cần thay đổi những quan niệm lỗi thời, sai lầm và ù lì để hội nhập vào nếp sống lành mạnh và nhân bản. Chúng ta cần thay đổi những định chế bất công hiện tại để giải thoát người dân khỏi những bế tắc. Đây là cuộc cách mạng cần phải thực hiện kịp thời hướng về nhân phẩm bởi vì CON NGƯỜI là cứu cánh của vạn vật. Mọi hoạt động trong xã hội đều hướng về con người và phục vụ con người. Con người không phải là máy móc sản xuất phục vụ giai cấp chủ nhân cs đỏ như người cs từng chủ trương. Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, có thân xác, có tâm hồn, có tư duy và ý chí chọn lựa là bản chất huyền diệu của con người. Vì thế phẩm giá con người phải được đề cao và tôn trọng.

Cuộc cách mạng này bắt đầu từ mỗi người, mỗi gia đình và lan rộng đến các cộng đoàn, tập thể. Một cuộc cách mạng làm thay đổi những cơ cấu xã hội hiện hành không thể dựa vào những lý thuyết mơ hồ thiếu thực tiễn, nhưng dựa vào những ý niệm thực tế trong cuộc sống người dân đó là đòi công lý và nhân quyền. Từ nhận định này, chúng ta khó lòng thiết lập những lý thuyết hay một mô hình cụ thể cho cuộc cách mạng này. Nên nhớ rằng đây là cuộc cách mạng phát xuất từ nhận thức (ý thức xâu xa về con người) rồi tiến tới hành động bảo vệ và kêu gọi mọi người tôn trọng quyền sống và quyền làm người của mỗi người. Đây là một tiến trình lâu dài và chúng ta có thể thực hiện từng giai đoạn và theo hai mức độ khác nhau:

1. Hạ Tầng Cơ Sở: Cuộc cách mạng nhân phẩm nên bắt đầu từ mỗi cá nhân khi chúng ta gia tăng ý thức về phẩm giá con người và giúp người khác tôn trọng những phẩm giá ấy. Đây là nền tảng của cuộc cách mạng nhân phẩm. Một cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi, chuyển hóa từ bên trong, giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi và bạo lực khi chúng ta chân nhận xâu xa giá trị phẩm giá con người mà không một thể chế chính trị nào có thể ngang nhiên chà đạp được. Cuộc cách mạng này khởi đầu từ mỗi gia đình khi cha mẹ có bổn phận giáo dục con cái theo chiều hướng nhân bản, tôn trọng con người, để chống lại nền giáo dục cs một chiều, phủ nhận giá trị con người theo định hướng xhcn. Ngoài gia đình, cần phải đề cao phẩm giá con người nơi môi trường làm việc để trưóc hết chống lại những bất công, bóc lột và hà hiếp ngay nơi công sở và sau đó là chống lại nền văn hóa bạo lực, mị dân, lừa dối và vô luân cúa chế độ cs. Mỗi gia đình là nền tảng nhân phẩm của xã hội. Nhiều gia đình được xây dựng trên phẩm giá con người sẽ ảnh hưởng lớn lao đến cộng đoàn và xã hội.

2. Thượng Tầng Kiến Trúc: Ở đây chúng ta không thể nói đến bình diện quốc gia được, nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ những cộng đoàn, chẳng hạn Giáo Xứ Thái Hà và trong đó là sự ủng hộ của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế.

Một khi chúng ta đã chú tâm vào nhân phẩm, các vị lãnh đạo tinh thần cần lên tiếng, truyền đạt và giúp người dân hiểu hơn về những giá trị thiêng liêng của con người, đồng thời yêu cầu chính quyền biết tôn trọng những giá trị đó: quyền sống và quyền làm người. Yêu cầu ở đây không có nghĩa là đối thoại, hoà giải theo kiểu cs, để rồi không hề có một giải pháp cụ thể. Vụ Toà Khâm Sứ và Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt là một ví dụ điển hình. Yêu cầu ở đây là một đòi hỏi chính đáng cho công lý và đòi hỏi đó phải được đáp ứng cấp thời.

Vụ Toà Khâm Sứ và TGM Kiệt nhắc chúng ta nhớ đến Linh mục Zerzy Popielusko, người Ba Lan sống dưới chế độ cs, đã can đảm lên tiếng bảo vệ tự do và nhân phẩm con người vào thập niên 80. Trong thời gian làm Tuyên Úy cho Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, cha luôn luôn gần gũi với những người bị áp bức, bênh vực họ, lên tiếng cho họ ngay cả trong toà giảng như ngài đã từng nói:“Liên đới có nghĩa là duy trì sự tự do trong nội tâm cho dù phải sống trong tình trạng nô lệ. Hãy vượt thắng sự sợ hãi.” Cha đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đạo đức phải thắng gian tà.”

Điều đáng nói là trong thời gian đó, đáng lý phải nâng đỡ và bảo vệ Cha Zerzy, Hồng Y Glemp, Giáo chủ Ba Lan, lại thỏa hiệp với cs Ba Lan để làm khó dễ cha Zerzy từ vấn đề thuyên chuyển cha đến một nơi xa xôi cho đến để chính quyền cs tự do thao túng trù dập và cầm tù cha. Và cuối cùng, như chúng ta đã biết, cha đã bị mật vụ Ba Lan bắt cóc và giết chết. Cha Zerzy can đảm chấp nhận ngã xuống để người dân Ba Lan từ đó đứng lên đòi công lý và nhân phẩm rồi tiến tới lật đổ chế độ cs Ba lan.

Ở đây, chúng ta cần nêu rõ là chúng ta luôn luôn tôn trọng giáo quyền, nhưng xin đừng để sự thỏa hiệp giữa giáo quyền và tà quyền làm trở ngại tiến trình đòi hỏi cho công lý và nhân phẩm. Cuộc cách mạng nhân phẩm bắt đầu bằng những thay đổi cần thiết trong cộng đồng hầu giải thoát cộng đồng khỏi những trở ngại không chính đáng trong tiến trình cách mạng. Cuộc cách mạng này sẽ giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc không chính đáng đó trong khi mục đích tối thượng của chúng ta là nhân phẩm, đòi công lý, đòi hỏi quyền sống và quyền làm người của mỗi cá nhân.

Vì thế cần phải khích lệ mỗi cộng đoàn kiên trì đấu tranh cho công lý. Cần cổ võ những buổi tập trung cầu nguyện cho công lý vì đó là tiếng nói duy nhất và có tác dụng nhất trong một xã hội csVN luôn coi thưòng và giết chết nguyện vọng người dân.

Một cuộc cách mạng đã khởi đầu, từ Giáo Xứ Thái Hà, lan rộng tới các cộng đồng khác. Người dân lúc này hơn lúc nào hết ý thức về nhân phẩm và công lý. Chân lý và niềm tin sẽ thắng bạo lực. Chúng ta cần cổ võ, đề xướng và ủng hộ tích cực tiến trình cách mạng này. Và từ mỗi người trong chúng ta, cần tâm niệm rằng những định chế và cơ cấu xã hội hiện tại cần phải thay đổi, chế độ đảng trị lúc này không thể giải quyết những xung đột trầm trọng và chế độ này cần phải bị loại trừ. Đã đến lúc cần phải chấm dứt những xáo trộn do bất công và vô pháp luật gây ra để giải thoát xã hội VN khỏi những bế tắc.

Một cuộc cách mạng nhân phẩm không nhất thiết phải đổ máu, nhưng cần thiết sự can đảm và kiên trì trong tiến trình đề cao và tôn trọng con ngưòi là nền tảng của mọi hoạt động chính trị và xã hội. Xin hãy kiên trì cho đến khi đạt mục đích, cho đến ngày công lý được sáng tỏ. Xin hãy kiên cường để tạo dựng một xã hội công bằng và nhân phẩm hơn. Đây là cuộc cách mạng lâu dài, không những là đạp đổ những chủ thuyết và chính thể không phù hợp với nguyện vọng của người dân, mà còn nhằm tới gầy dựng một xã hội Việt Nam trong sáng, tự do và nhân phẩm hơn.

Con xin được hiệp thông cùng Quý Cha và Tu Sĩ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế và anh chi em Giáo Xứ Thái Hà trong giai đoạn khó khăn đầy thử thách này. Xin kêu gọi mọi người ủng hộ cuộc cách mạng nhân phẩm này hầu tương lai VN và thế hệ tương lai được tươi sáng hơn.


LM Đinh Xuân Long

Không có nhận xét nào: